“Hiệu ứng Maradona” trong điều hành chính sách tiền tệ

"hiệu ứng maradona" trong điều hành chính sách tiền tệ

Năm 2020 khép lại với việc huyền thoại bóng đá Maradona chuyển sang đội bóng bên kia cõi vĩnh hằng để tiếp tục làm ảo thuật với quả bóng tròn. Thế giới mãi nhớ đến ông như là một cầu thủ có khả năng ảo diệu và truyền cảm hứng mãnh liệt nhất cho nhiều thế hệ đam mê túc cầu giáo. Nhưng hơn thế nữa, khả năng truyền cảm hứng của Maradona còn lan sang cả giới học thuật ở các ngân hàng trung ương (NHTW).

Hai bàn thắng đi vào huyền thoại của NHTW

Trong một bài phát biểu tại Cass Business School năm 2005, Thống đốc NHTW Anh lúc đó là Mervyn King, đã 10 lần nhắc tên Maradona để mô tả hai bàn thắng cầu thủ người Argentina ghi vào lưới đội tuyển Anh ở World Cup 1986, như là hai bài học của chính sách tiền tệ. Cả hai bàn thắng đều đáng nhớ theo những cách khác nhau.

Vào tháng 10-2012, khi NHTW Mỹ (Fed) triển khai gói nới lỏng định lượng lần thứ ba (QE3) và NHTW châu Âu (ECB) thông báo chương trình mua tài sản bơm tiền vào nền kinh tế, trong bối cảnh các nước này đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tờ Financial Times đã có bài phân tích: “Chính sách tiền tệ Maradona”, để dự đoán về thông điệp chính sách của Fed và ECB. 

Lần thứ hai vào ngày 25-11-2020, khi Maradona “chuyển sang hành tinh khác” đá bóng, tờ Financial Times lại có bài phân tích tiếp 2 bàn thắng này như lời chia tay với vị thánh bóng đá. Nhân dịp này, nhiều nhà đầu tư trên thế giới cũng đã có một số bài phân tích kinh nghiệm của họ về ứng dụng “Chính sách tiền tệ Maradona” trong phân tích đầu tư. “Chính sách tiền tệ Maradona” không phải nói cho vui, mà là câu chuyện nghiêm túc trong giới học thuật và chuyên gia.

Bàn thắng thứ nhất: “Bí ẩn và huyền bí”

Bàn thắng thứ nhất Maradona đánh bại thủ môn Shilton là bàn thắng bằng tay mà trọng tài không phát hiện. Maradona gọi đó là “bàn tay của Chúa”. Nhiều người Anh cho đến giờ vẫn tin rằng đáng lý Maradona phải nhận thẻ đỏ vì hành vi này, và nếu thế có lẽ sẽ không thể có chuyện đội tuyển Argentina vô địch World Cup 1986. Mervyn King cho rằng bàn thắng thứ nhất của Maradona là một thí dụ về điều hành chính sách tiền tệ “không thể hiểu nổi” khiến thị trường nhiều phen sốc nặng. “Bí ẩn và huyền bí”, cách gọi của Mervyn King về bàn thắng thứ nhất, cũng chính là tiếp cận theo kiểu cũ của NHTW.

Bối cảnh bài phát biểu của Mervyn King về cơ chế hoạt động của NHTW kiểu cũ là vào thập niên 1970-1980, giai đoạn đặc trưng bởi lạm phát rất cao của các nước phát triển. NHTW hứa hẹn kiềm chế lạm phát nhưng không thể. Các thông điệp chính sách cũng không rõ ràng khiến thị trường kỳ vọng NHTW luôn làm ngược lại những gì họ hứa. Theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế, một chính sách như thế được gọi là “không nhất quán theo thời gian”. Tuy nhiên, sau khi khuôn khổ “lạm phát mục tiêu” ra đời vào năm 1989, NHTW đã học được nghệ thuật không chỉ quản lý lạm phát, mà còn phải nhất quán trong lời nói và việc làm của mình.

Nếu có một so sánh gần gũi hơn, chúng ta ắt hẳn không quên giai đoạn lạm phát phi mã của Việt Nam 2006-2010, cũng gắn liền với phong cách “bí ẩn và huyền bí” trong điều hành chính sách tiền tệ. Lúc bấy giờ điều hành chính sách tiền tệ được giới chuyên môn gọi là “giật cục”, không theo một tiêu chuẩn nào. Cung tiền tệ tăng vài chục phần trăm/năm là chuyện bình thường.

Như năm 2007 cung tiền lên đến 50%/năm. Vậy mà không ít nhà hoạch định chính sách lại cho như thế mới gọi là tăng trưởng kinh tế thần kỳ và ổn định vĩ mô (trong khi giai đoạn 2016-2020 cung tiền và tín dụng tăng chỉ khoảng 14%/năm). Kết quả là thị trường tiền tệ, tỷ giá hối đoái rơi vào cảnh hỗn loạn. May mà sau đó các nhà điều hành đã nhanh chóng thoát khỏi phong cách điều hành NHTW theo màu sắc “bí ẩn và huyền bí”. Nhờ đó mà khoảng 5 năm gần đây, thị trường tiền tệ, tỷ giá dần ổn định, tạo được niềm tin cao nơi các nhà đầu tư và công chúng.

Bàn thắng thứ hai: “Lý thuyết Maradona về lãi suất”

Bàn thắng thứ hai là phép ẩn dụ mà Mervyn King cho rằng đó là cách thức NHTW hiện đại hoạt động. Maradona chạy 60 mét từ bên phần sân của mình để đánh bại bốn cầu thủ trước khi lừa bóng qua cầu thủ thứ năm là thủ môn để đưa trái bóng vào lưới trống của đội tuyển Anh. Tốc độ và kỹ năng thượng thừa như người ngoài hành tinh của Maradona khiến người xem mọi thời đại phải sững sờ. FIFA bình chọn đây là bàn thắng đẹp nhất thế kỷ.

Tuy nhiên, điều ảo diệu là Maradona chỉ chạy một mạch trên đường thẳng. Làm thế nào bạn có thể đánh bại năm cầu thủ chỉ bằng cách chạy trên một đường thẳng? Câu trả lời là các cầu thủ Anh đã phản ứng với những gì họ kỳ vọng Maradona có khả năng làm được. Cho rằng Maradona di chuyển theo đường zich zac nên họ đã chừa khoảng không gian trống để “bắt bài” (họ nghĩ Maradona sẽ chạy vào đó và tóm lấy dễ dàng). Trái với suy nghĩ của các cầu thủ Anh, Maradona chạy một hơi theo đường thẳng. “Chính sách tiền tệ hoạt động theo cách tương tự” – Mervyn King đặt vấn đề. Trong khoảng thời gian lúc bấy giờ, NHTW Anh tác động đến nền kinh tế mà không có những thay đổi lớn trong các mức lãi suất chủ đạo. Họ đạt được các mục tiêu của mình theo một đường thẳng. Làm thế nào có thể đạt được điều này?

Quỹ đạo của các cầu thủ Anh tượng trưng cho thị trường lãi suất, và của Maradona đại diện cho NHTW. Dáng chạy của Maradona trông như thể sắp ngoặt sang trái hoặc phải. Các cầu thủ Anh tưởng thế và hành động, trong khi ông chạy theo đường thẳng. Lấy thí dụ, để đối phó với đại dịch Covid-19, năm 2020 NHTW Nhật Bản cam kết giữ lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm là 0% trong 3 năm bằng việc mua vào không giới hạn trái phiếu chính phủ. Số tiền dự kiến mua vào là 100 ngàn tỷ Yen (bằng giai đoạn 2016-2019). Tuy nhiên đến gần cuối 2020, họ chỉ mới tung ra có 6 ngàn tỷ Yen đã đạt được mục đích. Một thí dụ khác, vào những thời khắc đồng nhân dân tệ có dấu hiệu bị giới đầu cơ thao túng năm 2018, NHTW Trung Quốc lập tức tuyên bố áp dụng “nhân tố X phản chu kỳ” để can thiệp. Trên thực tế, trong khi giới đầu cơ vẫn còn chưa kịp biết rõ mặt mũi “nhân tố X” là thế nào thì đồng nhân dân tệ lập tức hạ nhiệt.

Riêng ở Việt Nam, giới đầu cơ vàng và ngoại tệ đã từng một thời làm cho tỷ giá VNĐ/USD nhiều phen nổi cơn bão tố. Trong bối cảnh đó, chỉ cần các nhà điều hành tuyên bố dùng đủ mọi công cụ, phương thức và nguồn lực can thiệp, ngay lập tức thị trường lại dịu trở lại. Cho dù Ngân hàng Nhà nước đôi khi không mất bao nhiêu dự trữ ngoại hối để can thiệp.

Đây là những thí dụ để giải thích vai trò của kỳ vọng thị trường và hành động của NHTW. Mervyn King gọi đó là “Lý thuyết Maradona về lãi suất”. Nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernake đã từng phát biểu vào năm 2015: “Khi tôi còn làm ở Fed, thỉnh thoảng tôi quan sát thấy chính sách tiền tệ là 98% nói và chỉ có 2% hành động”.

Thời kỳ bình thường mới lại là “bàn tay của Chúa”và “khoảnh khắc Ferguson”

Bàn tay của chúa

Đại dịch Covid-19 bùng nổ đầu năm 2020 khiến cho NHTW lại phải thay đổi triết lý của mình. Thay vì ứng dụng những triết lý trong bàn thắng thứ hai của Maradona trong điều hành chính sách tiền tệ, NHTW đã áp dụng “khoảnh khắc của Sir Alex Ferguson” trong trận chung kết cúp châu Âu năm 1999 giữa Manchester United (Anh) và Bayern Munich (Đức). Đây cũng được xem là trận chung kết hay và khó tin nhất trong lịch sử bóng đá.

Số là vào những phút bù giờ cuối cùng khi đang bị dẫn 1-0, huấn luyện viên Ferguson tung hai cầu thủ tiền đạo chuyên đá dự bị vào sân và cả hai đã ghi bàn thắng quyết định đem về chiến thắng 2-1 cho Manchester United. “Khoảnh khắc của Sir Alex Ferguson” đem lại bài học quý giá cho NHTW. Vào những lúc khẩn cấp, không còn thời gian để suy tính, bàn bạc, những người có trách nhiệm cần phải đưa ra những quyết định nhanh nhất. Các công cụ chính sách tiền tệ như bơm tiền mua “trái phiếu rác” hay chính sách lãi suất âm… là đủ mọi thứ, mọi cách mà NHTW có thể làm được để đưa nền kinh tế tạm thời không bị chìm sâu vào khủng hoảng. 

Điều thú vị là bàn thắng bằng “bàn tay của Chúa” của Maradona khiến các nhà kinh tế không khỏi không liên tưởng đến khái niệm “bàn tay vô hình” của Adam Smith. Mặc dù hai điều này tương phản nhau. Trong khi “bàn tay vô hình” để cho các lực của thị trường điều tiết cung cầu thay cho các can thiệp của nhà nước, ngược lại, “bàn tay của Chúa” lại chơi theo một cung cách phi thị trường.

Trong thời kỳ bình thường, NHTW áp dụng “bàn tay vô hình”. Họ chỉ cần quản lý các mức lãi suất chính sách (không thay đổi trong một thời gian nào đó) mà không cần phải can thiệp vào thị trường tiền tệ. Trong điều kiện “bình thường mới” giai đoạn đại dịch, ngược lại, chúng ta lại đang thấy nhiều NHTW trên thế giới liên tiếp vay mượn “bàn tay” của Maradona để bơm bóng (tiền) vào lưới (thị trường) với các cách thức can thiệp chưa có tiền lệ. Nhưng có thể không may mắn như Maradona, nếu không thoát ra kịp thời, NHTW có thể sẽ phải trả giá cho chính sách phi thị trường quá lâu bằng việc lạm phát tăng tốc và những hỗn loạn trên thị trường tài chính.

Điều thú vị là bàn thắng bằng “bàn tay của Chúa” của Maradona khiến các nhà kinh tế không khỏi không liên tưởng đến khái niệm “bàn tay vô hình” của Adam Smith. Mặc dù hai triết lý này tương phản nhau hoàn toàn. Trong khi “bàn tay vô hình” để cho các lực của thị trường điều tiết cung cầu thay cho các can thiệp của nhà nước, ngược lại “bàn tay của Chúa” lại chơi theo một cung cách phi thị trường.

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ

Giới thiệu Phạm Thành Biên 111 bài viết
Chuyên gia Đầu tư Tài chính

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*